TRUNG TAM TIM MẠCH
083754 3832

TRUNG TÂM TIM MẠCH - BỆNH VIỆN E

Điện thoại tư vấn
(+84) 83754 3832

An toàn cho người bệnh: PHÒNG NGỪA NGUY CƠ TÉ NGÃ TRONG BỆNH VIỆN

Trái với suy nghĩ của nhiều người: Bệnh viện, cũng như tất cả các môi trường sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu khác, tiềm ẩn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Nói một cách khác, Bệnh viện hoàn toàn không phải là một nơi “an toàn tuyệt đối” cho bệnh nhân vào khám vào điều trị. Một bệnh viện có chất lượng cao, “xanh-sạch-đẹp” thì chưa đủ, bệnh viện phải là nơi an toàn cho người bệnh.

Với chủ trương phát triển Bệnh viện E một cách toàn diện, trong đó công tác an toàn cho bệnh nhân được đưa lên hàng đầu, được sự chỉ đạo của GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện, ngày 24/11/2016, phòng Quản lý chất lượng phối hợp với phòng Điều dưỡng đã tổ chức buổi tập huấn chuyên đề về an toàn cho người bệnh ,trong đó, tập trung vào việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên trong bệnh viện, nhất là điều dưỡng viên về phòng ngừa nguy cơ té ngã.



Ths Đỗ Thị Ngọc, Trưởng phòng Điều dưỡng đã có một báo cáo hết sức thú vị, bổ ích với nhiều thông tin mới được cập nhật như: Sự cố y khoa đang là thách thức hàng đầu đối với các cơ sở y tế trên toàn thế giới; Tỷ lệ sự cố này tại một số bang ở Mỹ vào khoảng từ 3,2 đến 5,4%, Úc: 10,6% đến 16,6%, Anh: 11,7%, Đan Mạch: 9%, một số nước phát triển: xấp xỉ 18%. Các sự cố y khoa được chia làm 6 nhóm: Nhầm người bệnh; thông tin bàn giao không đầy đủ; nhầm lẫn liên quan tới phẫu thuật; sự cố liên quan tới các thuốc có nguy cơ cao; nhiễm trùng bệnh viện và người bệnh bị té ngã.

  

Theo Ths Đỗ Thị Ngọc, bệnh nhân bị té ngã là vấn đề không mới nhưng ít được các bệnh viện chú ý do hầu hết các trường hợp không được nhân viên y tế chứng kiến hoặc bệnh nhân không thông báo. Đây thực sự là một nguy cơ cao với 30% tỷ lệ thương tổn, 4-6% có chấn thương nặng như gãy xương, chấn thương sọ não… Trong bệnh viện, có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh nhân có thể bị té ngã như do môi trường (giày dép không vừa, vướng quần áo, bàn ghế, sàn nhà trơn trượt…); do tác dụng phụ của thuốc (làm bệnh nhân mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn thăng bằng); do bệnh lý của bệnh nhân đang mắc (liệt, run, chóng mặt, thị lực kém…).
 
Vì vậy, việc phòng chống té ngã cho bệnh nhân cần được tổ chức từ mức độ cấp quốc gia (xây dựng chương trình phòng té ngã, can thiệp vào nhiều yếu tố, nhiều cách tiếp cận để giảm nguy cơ…) đến công tác cụ thể tại các bệnh viện như thành lập ban ngăn ngừa té ngã, lập kế hoạch hoạt động, huấn luyện cho nhân viên và giáo dục sức khỏe phòng ngừa té ngã cho bệnh nhân và người nhà tại các khoa phòng... Có như vậy mới giảm thiểu được nguy cơ té ngã cho bệnh nhân trong bệnh viện.



Học viên tham dự đã sôi nổi thảo luận, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và những kinh nghiệm, bài học rút ra qua thực tế làm việc đồng thời thống nhất về việc triển khai các kế hoạch, phương pháp phòng chống té ngã cho bệnh nhân tại các khoa phòng. Buổi tập huấn đã kết thúc với sự hiểu biết, đồng thuận cao, cùng quyết tâm phấn đấu xây dựng một Bệnh viện E “an toàn”, “xanh-sạch-đẹp”!
Bài viết khác