TRUNG TAM TIM MẠCH
083754 3832

TRUNG TÂM TIM MẠCH - BỆNH VIỆN E

Điện thoại tư vấn
(+84) 83754 3832

Phẫu thuật tim ở Việt Nam đang bước lên đẳng cấp mới

Chỉ 1 lần phẫu thuật xử lý nhiều bệnh lý tim bẩm sinh

Các bác sĩ (BS) của Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội mới đây đã phẫu thuật thành công ca bệnh tim bẩm sinh phức tạp cho bé Hoàng Lê Khánh Thy (1 tuổi, ngụ ở xóm 6B, Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An). Khi vào viện, bé Thy trong tình trạng sức khỏe rất yếu do bệnh tim bẩm sinh phức tạp: Các buồng tim thông nhau, thông liên thất, teo phổi, không có động mạch phổi; quai động mạch chủ quay trái…

PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Tim Hà Nội - cho biết, đây là một trong những ca bệnh tim bẩm sinh phức tạp, tỉ lệ rủi ro cao. Chúng tôi dự kiến mổ hai lần để gom các nhánh tuần hoàn lại sau đó sẽ sửa chữa các lỗi, “vá” các buồng thông trong tim. Nhưng trong quá trình phẫu thuật, các BS thấy có thể thực hiện sửa được tất cả các dị tật ngay trong một lần mổ và đã nỗ lực tối đa. Nhờ đó, tình trạng bệnh lý phức tạp đã được sửa chữa ngay trong một lần phẫu thuật. Sau ca mổ thành công, thời gian hồi sức, chăm sóc sau phẫu thuật cũng vô cùng khó khăn. Các BS, điều dưỡng đã phải theo dõi, chăm sóc bé rất tận tình, đến nay bé Thy đã bình phục hoàn toàn.

BV Nhi Trung ương cũng vừa phẫu thuật cứu sống bé Bùi Quỳnh Như (11 tháng tuổi, Hải Phòng) bị bệnh tim bẩm sinh không có động mạch phổi phải. Đây là bất thường rất hiếm gặp trong các bệnh lý về tim mạch. Bé Như từ khi mới sinh đã bị những đợt viêm phổi kéo dài, lặp đi lặp lại. Khi 6 tháng tuổi, cháu lên cân chậm và xuất hiện các cơn tím tái khi khóc. Khi đến BV Nhi Trung ương, thấy bé môi tím bất thường, các BS đã tiến hành siêu âm tim và phát hiện áp lực động mạch phổi tăng mạnh. Thông tim chụp mạch thì phát hiện nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ không có động mạch phổi phải.

BS Trần Kinh Trang -Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi TƯ - cho biết, bé Như do không có động mạch phổi phải. Vì thế mà trẻ bị khó thở, dần dần xuất hiện suy tim, nếu không được điều trị trẻ có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Sau khi hội chẩn và xem xét kỹ lưỡng kết quả xét nghiệm, các BS đã quyết định mổ cấp cứu để tạo hình động mạch phổi phải. Các BS đã dùng màng ngoài tim cuộn lại thành ống để nối động mạch phổi chung với phần di tích của động mạch phổi phải ở xa. Việc dùng màng ngoài tim làm ống nối là sáng kiến độc đáo bởi màng ngoài tim có độ chun giãn cao và lớn lên cùng cơ thể, giúp tránh phải phẫu thuật lại để thay ống khi trẻ lớn lên. Hơn nữa, ống làm từ vật liệu của cơ thể sẽ không bị thải ghép. Tuy nhiên, để tạo hình thành công đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và tay nghề cao. Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca mổ thành công ngoài mong đợi. Hiện tình trạng sức khỏe bé Như đã ổn định.

Lần đầu tiên ghép tim cho người có trái tim bên phải

Một ca ghép tim được cho là "kỳ lạ" đầu tiên đã được kíp phẫu thuật của Khoa Phẫu thuật tim mạch - BV Việt Đức thực hiện thành công. Bệnh nhân (BN) đặc biệt này là chị Phan Thị Tuyến (27 tuổi, ở TP.Yên Bái) bị bệnh tim bẩm sinh và quả tim lại nằm bên phải, hội tụ các dị tật nặng. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước -Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực - BV Việt Đức, người trực tiếp ghép tim cho BN Tuyến, đây là lần đầu tiên tiến hành ghép tim cho BN có quả tim nằm bên phải lồng ngực. Đây là một ca bệnh kỳ lạ, thậm chí chưa từng được ghi nhận trên thế giới. Hơn nữa, quả tim này lại bị dị tật rất nặng, bất thường như: Thất phải đường ra thể đảo gốc động mạch, thông sàn nhĩ thất toàn bộ, tĩnh mạch phối lạc chỗ hoàn toàn, hẹp rất khít động mạch phổi. Tình trạng sức khỏe của BN cũng rất yếu, suy kiệt, đã trải qua nhiều lần điều trị ở khắp các BV, mấy lần suýt chết, nên việc phẫu thuật càng tiềm ẩn rủi ro.

Sau khi có người hiến tim, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cùng các cộng sự đã nghiên cứu rất kỹ, chọn ra phương án tối ưu để phẫu thuật được ca bệnh khó này. Kíp phẫu thuật ghép tim của BV Việt Đức đã thành công trong việc đảo ngược cuống mạch tim của BN từ bên phải về bên trái cho đúng với cấu tạo của tim được ghép, sau đó tạo chân đế để hạ quả tim mới vào. Sau ghép vài ngày, quả tim mới đã hoạt động và bơm được máu trong cơ thể. Tuy nhiên thận, phổi vẫn không hoạt động. BV đã huy động các phương tiện hiện đại nhất để hỗ trợ, điều trị cho BN. Sau 1 tháng ghép tim, thận đã hoạt động trở lại và sau 3 tháng, BN bỏ được máy thở. Hiện BN vẫn đang tiếp tục điều trị tại khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực với tình trạng sức khỏe tương đối ổn định. Thành công của ca ghép tim này xứng đáng được đánh giá là một kỳ tích của nền y học Việt Nam.

Mổ tim chỉ đơn giản là kẹp và rạch da

Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và Singapore vừa tiến hành can thiệp “mitral clip” - kẹp sửa van hai lá (1 trong 4 van tim) để sửa chữa làm giảm mức độ hở van mà không cần phải tiến hành phẫu thuật mở tim. Đây là ca bệnh đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này tại Việt Nam. Kẹp sửa van hai lá là một kỹ thuật phức tạp đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Kỹ thuật này đòi hỏi sự kết hợp của đơn vị can thiệp tim mạch để lái dụng cụ kẹp van dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật siêu âm tim qua thực quản sử dụng đầu dò 3D - dựng hình buồng tim trong không gian. Không chỉ tránh cho BN phải chịu một cuộc phẫu thuật mở tim mà kỹ thuật mới này còn giúp cho quá trình phục hồi của BN được nhanh hơn và rõ ràng hơn. Kết quả sau can thiệp cho thấy, tình trạng hở van tim đã giảm đáng kể, người bệnh tỉnh táo và đang trong giai đoạn hồi phục.

PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam - cho biết, đây là một trong những bước tiến quan trọng của Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để cứu chữa BN tim mạch.Thành công bước đầu này hứa hẹn sẽ mang lại cho BN thêm nhiều lợi ích hơn nữa nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong y học. Hi vọng trong tương lai gần, kỹ thuật này sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa tại Việt Nam.

Trung tâm Tim mạch - BV E cũng vừa phẫu thuật tim vá lỗ thông liên thất thành công cho 6 BN bằng phương pháp phẫu thuật nội soi thẩm mỹ ít xâm lấn. Sau phẫu thuật, các BN đều hồi phục nhanh, không gặp biến chứng và có thể ra viện sau 5-7 ngày. Trung tâm Tim mạch BV E đã hướng tới một kỹ thuật phẫu thuật tim ít xâm lấn mà các trung tâm phẫu thuật lớn về tim mạch trên thế giới đang áp dụng.

Nói về ưu điểm của kỹ thuật mới này, PGS-TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV E - cho biết: Nếu làm phẫu thuật tim hở vá thông liên thất kinh điển, BN sẽ phải cưa toàn bộ xương ức với đường mổ dài, từ hõm ức tới mũi ức khoảng 15 - 20cm với người lớn, 8 - 10cm với trẻ nhỏ. Còn với phương pháp phẫu thuật nội soi thẩm mỹ ít xâm lấn, các BS chỉ mở một phần xương ức phía thấp, đường rạch da ngắn khoảng 6cm với người lớn, 3 - 4cm với trẻ nhỏ. Với kỹ thuật mới cùng sự trợ giúp của các phương tiện hiện đại trong phẫu thuật nội soi, người bệnh sẽ ít bị sang chấn, đỡ đau sau mổ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và rất thẩm mỹ, nhất là với các bé gái, phụ nữ.
Theo Lao Động
Bài viết khác