TRUNG TAM TIM MẠCH
083754 3832

TRUNG TÂM TIM MẠCH - BỆNH VIỆN E

Điện thoại tư vấn
(+84) 83754 3832

Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh Viện E cứu sống ngoạn mục bé 10 giờ tuổi dị tật tim phức tạp

Ngày 5/11/2015, một ca mổ đẻ đặc biệt với sự góp mặt của các bác sĩ sản khoa, tim mạch nhi khoa và hồi sức chào đón bé trai Giáp Văn T. tại phòng mổ của Bệnh viện (BV) E Trung ương. Sau 10 tiếng đồng hồ, em bé đã được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch BV E can thiệp thành công dị tật tim bẩm sinh phức tạp, trả lại cuộc sống vừa hé mở mà nếu không có một giải pháp đồng bộ kịp thời xử trí đã suýt khép lại với sinh linh bé nhỏ này. 

Bệnh tim nguy hiểm gây ra tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh

Chị H. (trú tại Sơn La) mẹ của bé T. kể chị sinh 2 đứa con đầu khỏe mạnh bình thường, khi mang thai T. ở tuần thứ 28, qua siêu âm đã phát hiện T. có dị tật tim bẩm sinh. Vô cùng lo lắng, chị và chồng-cũng là một bác sĩ đang công tác tại BV tỉnh tìm kiếm thông tin và đúng là “duyên trời” (theo lời chị H.) đã gặp được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (TTTM) BV E để hôm nay chị đang được bế T. trong tay, thấy rõ trái tim bé bỏng của con đập nhịp nhàng trong lồng ngực.

Bệnh viện E Trung ương: Cứu sống ngoạn mục bé 10 giờ tuổi dị tật tim phức tạp

ThS. BS . Trần Đắc Đại siêu âm khám lại cho bé T. khi 15 ngày tuổi.

 

GS.TS. Lê Ngọc Thành - chuyên gia tim mạch, Giám đốc BV E Trung ương cho biết, bé T. bị teo van động mạch phổi vách liên thất nguyên vẹn. Đây là một bệnh tim bẩm sinh vô cùng nặng, đòi hỏi cần phải can thiệp ngay sau khi sinh bằng thuốc, hoặc bằng can thiệp tim mạch, hoặc phẫu thuật tim. Không nhiều các trường hợp tim bẩm sinh cần phải làm như vậy. Những trường hợp tim bẩm sinh như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch (ĐM)... trẻ đẻ ra hoàn toàn bình thường, đến khi lớn nhiều khi mới phát hiện ra bệnh. Nhưng trường hợp này là thể bệnh nếu không được điều trị ngay sau khi sinh trẻ sẽ chết. Có thể tử vong trong vài giờ đầu hoặc vài ngày đầu sau sinh; đặc biệt là tử vong hết sức đột ngột, gây ra nhiều nghi ngờ và khó có thể giải thích nếu như thầy thuốc và gia đình không biết về bệnh của trẻ trước đấy.

Lý giải về căn bệnh tim nguy hiểm này, theo GS.TS. Lê Ngọc Thành, trong bệnh teo van ĐMP vách liên thất nguyên vẹn, máu từ nhĩ phải xuống thất phải bình thường, nhưng khi bơm lên ĐMP thì không được vì bị teo ĐMP. Vậy phải lấy máu ở đâu để vào phổi tạo máu đỏ đi nuôi cơ thể? Có một cơ chế bù trừ thông thường xảy ra với bệnh, đó là tồn tại ống động mạch ĐM. Máu sẽ lên ĐM chủ qua ống ĐM lên phổi chứ không lên phổi bằng đường tự nhiên thông thường. Như vậy cuộc sống của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào ống ĐM đó. Nhưng ống ĐM sẽ tự động đóng lại (có thể sau vài giờ hoặc vài ngày) khi em bé chào đời theo diễn biến sinh lý tự nhiên. Vì sống phụ thuộc vào ống đó nên khi ống ĐM đóng khít lại, em bé sẽ tử vong ngay lập tức. Đã có nhiều cái chết bất thường như vậy làm đau đầu ngành y tế khi trùng hợp ngẫu nhiên với lịch tiêm vắc-xin cho trẻ hoặc liên lụy đến những chăm sóc y tế khác.

Quyết định can thiệp khi trẻ chưa được 1 ngày tuổi

Trường hợp của bé T. do đã tiên lượng bệnh từ thời kỳ trước sinh nên các bác sĩ  BV E theo dõi sát sao và lập kế hoạch cụ thể khi bé T. chào đời cùng những biện pháp xử trí sau đẻ. Ngày 5/11/2015, khi bác sĩ sản khoa thông báo giờ mổ đẻ, một ê kíp bác sĩ gồm tim mạch, nhi, hồi sức, sơ sinh và các phương tiện cấp cứu túc trực ngay tại phòng mổ đẻ đón bé T. Vài giờ đầu sau sinh, ống ĐM còn to, em bé vẫn sống được nhưng dần dần ống ĐM sẽ thu nhỏ kích thước và đóng lại. ThS. BS. Trần Đắc Đại, TTTM BV E, người trực tiếp tiến hành can thiệp cho bé T. cho biết: có những trường hợp ống ĐM chỉ đóng nhỏ lại chứ không đóng hết, nên các bác sĩ theo dõi bé T. rất sát sao mong tránh cho bé khỏi một ca can thiệp quá sớm khi còn quá non nớt như vậy. Nhưng mỗi giờ trôi qua, triệu chứng lâm sàng của T. ngày một xấu, và 10 tiếng sau khi chào đời, tình trạng T. bắt đầu nguy kịch, các bác sĩ quyết định phương án phải can thiệp cho bé. Một đường vào được thiết lập qua tĩnh mạch đùi, sau đó tiến hành đục và nong van ĐMP tạo luồng thông giữa thất phải và ĐMP, dòng máu sẽ từ thất phải lên phổi đúng theo sinh lý tự nhiên nuôi sống bé T. Ca can thiệp căng thẳng diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ. Sau đó bé được chuyển xuống hồi sức và thở máy 3 ngày. Khám lại sau nửa tháng, chức năng tim của bé T. rất ổn, người không còn tím, thở và bú tốt. BS. Đại chia sẻ, có thể nói bé T. là trường hợp bé nhất (chưa đầy 1 ngày tuổi) được can thiệp, sau 1 tháng nữa các bác sĩ sẽ tiến hành nong van ĐMP lần nữa cho bé T.

Cần thiết một giải pháp đồng bộ

Theo các chuyên gia tim mạch, dị tật tim bẩm sinh trong bào thai gần như không có bất cứ biểu hiện gì, thai vẫn phát triển bình thường (trừ những trường hợp suy tim nặng gây phù thai) nên đa phần mọi người thường chủ quan, không để ý. Do vậy khi đi khám thai định kỳ, cần phải chú ý đến tim thai xem có gì bất thường (nếu cần thiết phải có một đợt kiểm tra tim thai bởi các bác sĩ tim mạch nhi khi thai được 18-22 tuần tuổi).

Với những dị tật tim thai được bác sĩ sản khoa phát hiện cần phải có sự phối kết hợp với bác sĩ tim bẩm sinh và theo dõi chặt chẽ tại những cơ sở y tế có khả năng  điều trị những dị tật tim bẩm sinh từ thời kỳ sơ sinh.  
Nguồn: SKĐS

Bài viết khác