TRUNG TAM TIM MẠCH
083754 3832

TRUNG TÂM TIM MẠCH - BỆNH VIỆN E

Điện thoại tư vấn
(+84) 83754 3832

TTƯT.PGS.TS.BS NGUYỄN VĂN SƠN: CHUYÊN NGÀNH KHÓ… ĐÃ CHỌN TÔI!

TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện E không chỉ giỏi chuyên môn, tận tâm với người bệnh, ông còn là người đam mê nghiên cứu khoa học, để tìm ra nhiều hơn nữa những phương pháp chẩn đoán và điều trị có hiệu quả cho người bệnh. Với những đóng góp đó, ông đã vinh dự được phong hàm Phó giáo sư vào tháng 11/2016.
   
Những cú “sốc” của chữ duyên với nghề y!
BS Nguyễn Văn Sơn tâm sự, cơ duyên đưa ông gắn bó cuộc đời mình với chuyên ngành X-quang được ông ví như cú “sốc” đầu đời. Lật giở từng lát cắt trong quãng đời trai trẻ đầy hoài bão, BS Sơn trầm ngâm, nhớ lại: “Tôi sinh ra ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, năm 1958. Ước mơ trở thành BS chữa bệnh cứu người cũng là để tiếp nối truyền thống gia đình và tuân theo ý nguyện của bố, mẹ. Năm 1976,sau khi tốt nghiệp lớp 10, tôi thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. Trong suốt 5 năm học đa khoa tôi đều nằm trong “top” sinh viên có thành tích học tốt và luôn chắc mẩm sẽ đặt “chân” vào chuyên khoa “hot” như ngoại, răng hàm mặt, mắt, nhi… chứ chưa bao giờ nghĩ rằng: mình được “chọn” vào nhóm chuyên ngành “cửa dưới” như X-quang!!! Tôi đã nhiều lần lên gặp các thầy cô xin chuyển sang chuyên khoa “hot”, nhưng thầy cô nào cũng khuyên: X-quang là chuyên ngành khó, độc hại, nhưng có đóng góp nhiều cho lâm sàng, vì vậy cần các sinh viên có học lực tốt, dũng cảm... Vì thế, khóa tôi học năm đó, toàn miền Bắc chỉ có 15 học viên, trong khi các chuyên ngành khác có số học viên gấp 4-5 lần.



    “Sốc” và buồn vì không được học chuyên ngành mình yêu thích của chàng sinh viên ham học hỏi chỉ kéo dài… 2 tháng.Vì càng nghiên cứu và học chuyên ngành này, Sơn càng khám phá ra nhiều điều hay, hấp dẫn và thú vị. Để thấu hiểu trái tim, khối óc, cấu tạo của con người không nhất thiết phải mổ xẻ mà được “tiết lộ” qua chiếc máy X-quang khô khan và lạnh lẽo. Tháng 10/1982, Sơn tốt nghiệp BS chuyên ngành X-quang chính quy với số điểm cao và được Bệnh viện E “chấm” về làm việc tại Bệnh viện. 



Ngày 1/12/1982, BS Sơn chân ướt chân ráo bước chân vào “đầu quân” cho Bệnh viện E. Thời đó, Bệnh viện E bao quanh là cánh đồng, đầm rau muống. Nhiều đêm đi trực, nghe tiếng chão chuộc kêu càng khiến BS trẻ Sơn “sốc” thêm lần nữa vì cám cảnh “đi đầy”. BS Sơn tìm cách giải tỏa nỗi lòng qua những cánh thư gửi các đồng môn đang ngày đêm bám trụ ở các cơ sở y tế tỉnh miền núi phía Bắc. Cuộc sống của họ vất vả gấp bội phần, đã làm Sơn thấy xấu hổ vì ý nghĩ chán chường trước đây. Anh lao vào công việc và cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu người ở Bệnh viện E. Tại đây, để khắc phục những hạn chế của máy móc, trang thiết bị thời đó cho chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, anh và các đồng nghiệp luôn có sự cải tiến để đáp ứng tối đa nhu cầu của người bệnh. Điều này đã giúp các BS lâm sàng điều trị cho người bệnh được chính xác, thuận lợi và hiệu quả.



Thời gian này, ngoài giờ làm việc, BS Sơn mày mò tự học tiếng Pháp. Một trong những cuốn sách gối đầu giường mà đến giờ ông vẫn nâng niu và giữ gìn cẩn cận như báu vật, đó là cuốn “Chẩn đoán X-quang” của tác giả J.P.Monnier và J.M.Tubiana bằng tiếng Pháp. Lựa chọn học tiếng Pháp qua một quyển sách chuyên ngành như vậy là điều rất khó, nhưng BS Sơn lại quyết tâm chinh phục. Hằng ngày, hết giờ làm việc, anh lại ôm sách lên nhờ BS Hoàng Hải - Trưởng Khoa Truyền nhiễm bấy giờ, người rất giỏi tiếng Pháp đọc và dịch từng trang để anh học theo. Trang sách cuối cùng khép lại, cũng là lúc BS Sơn đọc thông viết thạo tiếng Pháp và thu lượm thêm được vô vàn kiến thức quý giá về chuyên ngành X-quang.



BS Sơn là một trong số 4 thí sinh của toàn miền Bắc thi đỗ các chương trình đào tạo do 6 giáo sư pháp trực tiếp giảng dạy, chấm điểm và được tuyển chọn sang Pháp học tập hệ FFI từ 10/1995 tới 11/1996. Tại đây, BS Sơn không chỉ được học nâng cao về chuyên ngành X-quang mà còn được tiếp cận với các kỹ thuật mới mẻ và lạ lẫm trên thế giới và Việt Nam, đó là kỹ thuật siêu âm, chụp cắt lớp vi tính… BS Sơn thú nhận: “Lúc này, tôi mới nhận ra con đường đến với y học thông qua chuyên ngành X-quang vô cùng rộng mở và đầy tương lai. Bởi chuyên ngành này áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại để phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh thông qua sự chẩn đoán chính xác của các BS chẩn đoán hình ảnh như chúng tôi”. Từ đó, BS Sơn không ngừng học hỏi, để nâng cao tay nghề, khi ông lần thứ 2 sang Pháp (từ 11/2001 - 11/2002) để tiếp tục chuyên tâm học về X-quang can thiệp: nút mạch, đặt sent, cộng hưởng từ với mục đích hoàn thiện chuyên môn sâu của chuyên ngành mình... Các đề tài Luận văn thạc sĩ và Luận án tiến sĩ của BS Sơn đều được nghiên cứu, lựa chọn xuất phát từ những năm tháng học ở Pháp và từ những năm miệt mài làm việc tại Bệnh viện E, mục đích duy nhất là làm sao chẩn đoán và điều trị tốt nhất cho người bệnh.



Quả ngọt từ chính sự quyết tâm ấy, năm 2016, ông đã nhận học hàm Phó giáo sư – danh hiệu ghi nhận những đóng góp không ngừng nghỉ của ông. Món quà trân trọng và đáng quý nhất mà PGS Sơn nhận được từ người thầy giáo - PGS Vũ Long qua câu nói: “Xin chúc mừng anh, học hàm PGS rất xứng đáng vì công trình khoa học từ thạc sĩ đến tiến sĩ của anh đều có đóng góp thực tiễn cho đời”.  

        “Từ một đời người để thấy… một rừng cây!”
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Sơn đã có 34 năm gắn bó với Bệnh viện E, có lẽ khi nhìn vào cuộc đời ông sẽ thấy cả sự thăng trầm của Bệnh viện E. PGS Sơn nhớ lại, trong quá trình phát triển 50 năm qua, Bệnh viện E đã có thời điểm rơi vào  “nốt trầm”, khi đứng trước hoàn cảnh có thể bị xóa sổ để một cơ sở y tế khác về đây tiếp quản. Nhưng tập thể y, bác sĩ, cán bộ viên chức, trong đó có các thế hệ các Thầy đi trước, đặc biệt hiện nay là GS.TS Lê Ngọc Thành, tập thể Ban giám đốc, Ban chấp hành đảng ủy… đã tìm ra hướng phát triển theo “thế chân kiềng”: nhân lực, cơ chế hoạt động linh hoạt và đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại nhằm phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân nên đến nay, Bệnh viện E đã trở thành một cơ sở y tế khám chữa bệnh uy tín của người bệnh ở Hà Nội, các tỉnh lân cận cũng như trong cả nước. 



Trong chặng đường 34 năm gắn bó ấy, PGS Sơn đã để lại những dấu ấn tích cực trong lòng người bệnh và đồng nghiệp. Kể từ khi làm Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, năm 2003, ông đã cùng các đồng nghiệp triển khai nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán để phát hiện và điều trị cho người bệnh. Hiện tại, Khoa Chẩn đoán hình ảnh được trang bị nhiều máy móc hiện đại: máy siêu âm 4 chiều, máy X - quang kỹ thuật số (DR, CR), máy chụp cắt lớp vi tính đa lát, máy MRI 1.5Tesla, máy C-arm... đáp ứng được yêu cầu của người bệnh và các bác sĩ lâm sàng.



PGS Sơn quan niệm: BS chẩn đoán hình ảnh phải sử dụng thành thạo máy móc và các phương tiện của chuyên ngành để phát huy tối đa năng lực của chúng, từ đó giúp ích cho người bệnh. Hằng ngày, ngoài việc trực tiếp bổ trợ kiến thức cho các BS tại khoa, ông còn yêu cầu họ tham dự các khóa học chuyên ngành khác nhau được tổ chức trong và ngoài nước, nhằm giúp họ cập nhật thêm những tiến bộ kỹ thuật của chuyên ngành. Bên cạnh đó, ông cùng các đồng nghiệp không ngại khó, ngại khổ đến với các bệnh viện tuyến dưới để chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh. Điều đó không chỉ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên mà còn nâng cao khả năng điều trị cho người bệnh ở tuyến dưới.



Không chỉ là một BS giỏi, tận tâm với nghề, PGS Sơn còn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Hiện ông là giảng viên kiêm chức của bộ môn Chẩn đoán hình ảnh của Trường Đại học Y dược Hải Phòng; Trường ĐH kỹ thuật Y tế Hải Dương; Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội... Ở vị trí này, ông đã và đang góp phần đào tạo, chỉ dạy chuyên môn cho nhiều thế hệ BS trẻ kế cận để họ có thể trở thành những thầy thuốc giỏi phục vụ nhân dân. Nhờ những việc làm tích cực, cụ thể đó từ ông và các đồng nghiệp đã đưa khoa Chẩn đoán hình ảnh “gặt hái” nhiều phần thưởng của Bộ Y tế, Bệnh viện. Riêng ông, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, năm 2008 được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2009 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, và năm 2010 ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.



Nhìn lại chặng đường đã qua, ông tự nhận thấy: “Thành công không thể tự đến với ai, đặc biệt trong sự nghiệp khoa học,nhất thiết phải quyết tâm, phải nỗ lực, rèn luyện, không quản ngại gian khổ, khó khăn, kiên trì học tập, tìm tòi, làm mới bản thân, có định hướng cho mình… Có như vậy thành công mới đến!”.
Bài viết khác