TRUNG TAM TIM MẠCH
083754 3832

TRUNG TÂM TIM MẠCH - BỆNH VIỆN E

Điện thoại tư vấn
(+84) 83754 3832

GS.TS LÊ NGỌC THÀNH: NHÂN LÊN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG ẤM ÁP TÌNH NGƯỜI

Đó là tâm trạng của rất nhiều người chứng kiến và tham gia chương trình Kỷ niệm 10 năm phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; tổng kết trao giải Cuộc thi viết lần thứ 9 và Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khắc sâu lời Bác dạy” do Báo Quân đội nhân, Đài truyền hình Việt Nam và Cty dầu khí Việt Nam tổ chức tối 10/6, tại Nhà hát lớn Hà Nội.
 
      Dự chương trình có các đồng chí: Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, PCT thường trực Quốc hội; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Thượng tướng AHLLVTND Phạm Thanh Ngân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Hà Đăng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư; Thượng tướng, Viện sĩ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đỗ Căn - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy, TBT Báo QĐND - Trưởng ban Tổ chức. GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E tham dự với tư cách là khách mời đặc biệt của chương trình.
       Trong những tác phẩm báo chí và tác giả được tôn vinh lần này, GS.TS Lê Ngọc Thành ấn tượng về câu chuyện về 3 cô giáo: Nông Thị Dương, Lý Thị Kiều, Nguyễn Thị Nhung trong tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” đoạt giải Nhất CTV “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 9 của tác giả Đặng Thu Hà, Báo QĐND. Vượt qua những hoàn cảnh, khó khăn riêng, với tình yêu nghề, yêu trẻ, các cô đã nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gieo nên những mầm xanh hy vọng, niềm tin tương lai trên đỉnh núi Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), ở độ cao gần 3.000m. Cuộc sống của các cô giáo trên vùng cao lưng chừng trời ấy đều gặp muôn trùng khó khăn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, cô Nguyễn Thị Nhung dường như nỗi vất vả, khó khăn ấy càng nhân lên gấp bội khi con của cô lại bị bệnh tim bẩm sinh… Đã vậy, vì lo tròn nhiệm vụ của người giáo viên nên cô không thường xuyên chăm sóc con mà phải gửi bà trông hộ con. Nhiều lần con phát bệnh, sốt ruột lắm nhưng cô Nhung vẫn đến lớp dạy chữ cho các em học sinh thân yêu. Khi được hỏi động lực nào đã giúp cô vượt qua những khó khăn, thách thức ấy, cô Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Đó là tinh thần trách nhiệm và tình thương đối với các em. Chúng tôi coi các em như con ruột của mình, nên phải phấn đấu để mang đến cho các em những điều tốt nhất”.
       Xuất phát từ trái tim yêu thương và nồng ấm của những người thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.TTND Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư quyết định tặng cô trò Điểm trường Mầm non Lùng Cúng và gia đình cô giáo Nhung 100 triệu đồng. Kinh phí được sử dụng vào việc mua trang thiết bị học tập tặng nhà trường và chi phí mổ tim cho con gái chị Nhung. Vui hơn nữa, khi ca mổ tim đặc biệt này, GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E trực tiếp thực hiện.
   

      GS.TS Lê Ngọc Thành chia sẻ: “Thấu hiểu trước hoàn cảnh khó khăn của các cô giáo hy sinh cuộc sống bám bản, dạy chữ cho trẻ em vùng cao, tôi cũng giống như nhiều thầy thuốc khác sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ. Bởi những tấm gương bình dị mà cao quý của các cô giáo đã gây xúc động mạnh cho cá nhân tôi và có sức lan tỏa mạnh mẽ, ảnh hưởng và lan rộng trong xã hội. Giống như nhà báo Hà Đăng đã nói, ngoài những tấm gương sáng như các cô giáo trên vùng cao Lùng Cúng chúng ta còn có lòng nhân ái của xã hội, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ khi các cô gặp hoàn cảnh khó khăn. Trước sự lay động lòng người của câu chuyện ấy, tôi sẽ cùng với các bác sĩ ở Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E mổ tim cho con cô giáo Nhung trong thời gian sớm nhất”.
       
       
      Hành động của GS.TS Lê Ngọc Thành đã nhân lên ngọn lửa yêu thương ấm áp tình người, khiến cho những người như cô giáo Nhung yên tâm bám bản, đem con chữ lên lưng chừng trời, dạy cho trẻ em vùng cao. Hành động đó đáng được trân trọng và tri ân.   
Bài viết khác