VIỆT NAM GIỚI THIỆU KỸ THUẬT VÁ THÔNG LIÊN NHĨ BẰNG NỘI SOI TOÀN BỘ RA THẾ GIỚI
Từ ngày 11-14/3/2017, GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E đã có bài báo cáo khoa học về kỹ thuật vá lỗ thông liên nhĩ qua 4 lỗ trocar có kích thước <1cm tới rất nhiều các bác sĩ, nhà khoa học tại Hội nghị phẫu thuật tim mạch lồng ngực Vương quốc Anh. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giới thiệu kỹ thuật vá thông liên nhĩ bằng nội soi toàn bộ ra thế giới và được các bạn đồng nghiệp đánh giá cao.
BV E đã mổ thành công 39 ca
1 ngày sau mổ vá thông liên nhĩ bằng nội soi toàn bộ, BN Trịnh Văn V (41 tuổi, Thanh Hóa) đã hoàn toàn khoẻ mạnh, hết đau ngực và khó thở. Bệnh nhân V cho biết, trước đây anh thường có biểu hiện tức ngực, khó thở. Cách đây 1,5 tháng, anh đang điều trị xơ gan ở một bệnh viện trên Hà Nội thì xuất hiện những cơn đau ngực, khó thở… phải nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E. Sau khi tiến hành thăm khám và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân V bị TLN lỗ thứ phát, kích thước lỗ thông lớn 28 – 30mm, bắt đầu có triệu chứng suy tim.
Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định không can thiệp bít lỗ thông bằng dụng cụ do lỗ thông có kích thước lớn và không có gờ tĩnh mạch chủ dưới. Sau khi cân nhắc nguy cơ, các bác sĩ quyết định dừng can thiệp và chuyển phẫu thuật vá lỗ thông liên nhĩ nội soi toàn bộ qua 4 lỗ trocar kích thước < 1cm. Điều đặc biệt, quả tim của bệnh nhân vẫn đập trong quá trình mổ, hạn chế được nguy cơ suy tim sau mổ, bệnh nhân hồi phục sớm. Sau mổ 3 giờ, bệnh nhân được bỏ thở máy và ra khỏi phòng hồi sức. Hiện sức khoẻ phục hồi tốt, không có biến chứng sau mổ, siêu âm tim kiểm tra lỗ thông được vá kín.
GS.TS. TTND Lê Ngọc Thành cho biết, đây chỉ là một trong 39 trường hợp được mổ vá thông liên nhĩ bằng nội soi toàn bộ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. Tại Trung tâm Tim mạch đã triển khai mổ thường quy kỹ thuật này cho bệnh nhân ở độ tuổi 30 – 40, và mổ thành công với bệnh nhân thông liên nhĩ là trẻ nhỏ cần phải mổ do lỗ thông lớn, gây tăng áp lực động mạch phổi, suy tim.
Ưu điểm vượt trội
Trong tổng số 413 bài báo cáo khoa học được báo cáo tại hội nghị, bài báo cáo khoa học về kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ của GS.TS Lê Ngọc Thành đã được các đồng nghiệp và các nhà khoa học trên thế giới đánh giá rất cao. Bởi vì, đây là kỹ thuật khó, hiện tại Vương quốc Anh cũng chỉ có 4 trung tâm thực hiện kỹ thuật mổ tim nội soi. Đây là một hội nghị chuyên ngành tim mạch rất có uy tín trên thế giới nên đã thu hút được hơn 1.000 các bác sĩ, các nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới: Vương quốc Anh, Ailen, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…
Trong bài báo cáo, GS.TS Lê Ngọc Thành phân tích, điều trị thông liên nhĩ có 3 biện pháp chủ yếu gồm: Điều trị nội khoa kết hợp theo dõi, bịt lỗ thông bằng phương pháp can thiệp qua da và phương pháp phẫu thuật. Ngày nay khi lỗ thông không bịt được bằng phương pháp can thiệp qua da, bệnh nhân bắt buộc phải phẫu thuật để vá thông liên nhĩ.
“Trước đây, để vá thông liên nhĩ phải tiến hành mổ mở, bệnh nhân sẽ phải cưa toàn bộ xương ức với đường mổ dài, từ hõm ức tới mũi ức khoảng 15 – 20cm, bệnh nhân thường đau nhiều sau mổ và có thể gặp các biến chứng: Chảy máu, nhiễm trùng xương ức, sẹo xấu ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân sau mổ, thời gian nằm viện, phục hồi sức khoẻ kéo dài từ 15 - 20 ngày và đặc biệt là người bệnh thường bị nguy cơ biến dạng lồng ngực...” – GS Thành cho hay.
Xuất phát từ thực tế đó và nhằm hạn chế các biến chứng, các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E tiến hành mổ vá lỗ thông liên nhĩ qua 4 lỗ trocar có kích thước <1cm. Bệnh nhân được gây mê bằng đặt ống nội khí quản một nòng hoặc hai nòng. Bác sĩ gây mê đặt catheter trung ương tĩnh mạch cảnh trong bên trái, đồng thời đặt sẵn catheter (kim luồn số 14 G) vào tĩnh mạch cảnh trong bên phải cho phẫu thuật viên thuận lợi cho đặt canuyn bên phải.
Phẫu thuật viên đánh dấu 4 vị trí đặt trocar trên thành ngực bệnh nhân. Rạch da 2cm đùi phải, bộc lộ động mạch và tĩnh mạch đùi. Thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể qua các mạch máu ở đùi và qua tĩnh mạch cảnh trong bên phải của bệnh nhân. Sau khi kiểm tra hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể vận hành tốt, các chỉ số trong phạm vi an toàn, phẫu thuật viên bắt đầu thì mổ. Bác sĩ gây mê ngừng máy thở cho phổi xẹp. Phẫu thuật viên mở màng tim, khâu treo màng tim. Bơm CO2 vào khoang màng phổi và màng tim với tốc độ xác định. Luồn dây vải qua tĩnh mạch chủ trên, thắt tĩnh mạch chủ trên.
Phẫu thuật viên mở nhĩ phải dọc theo rãnh nhĩ thất, khâu treo nhĩ phải. Tim vẫn đập liên tục trong quá trình mổ giúp bảo vệ cơ tim tốt hơn trong suốt quá trình mổ và đề phòng rối loạn nhịp trong lúc mổ. Tĩnh mạch chủ dưới không thắt. Đánh giá giải phẫu nhĩ phải, lỗ thông liên nhĩ, các tĩnh mạch phổi lạc chỗ, lỗ xoang vành... Phẫu thuật viên sử dụng miếng vá nhân tạo để vá lỗ thông liên nhĩ. Khâu đóng nhĩ phải, kiểm tra cầm máu kỹ, đặt dẫn lưu màng tim và màng phổi. Phẫu thuật viên đóng màng tim và tiến hành ngừng tuần hoàn ngoài cơ thể, khâu các vết mổ. Ưu điểm của phương pháp này ít gây sang chấn cho người bệnh hơn so với mổ mở kinh điển, đỡ đau sau mổ, giảm thiểu hơn nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
Chia sẻ bên lề hội nghị tại Belfast – Vương quốc Anh, GS.TS Thành cho rằng, việc Việt Nam triển khai thành công kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ tuy khó song hy vọng trong thời gian tới có thể ứng dụng, triển khai rộng rãi để nhiều bệnh nhân hơn nữa được thừa hưởng lợi ích của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những bệnh nhân nữ và trẻ em gái.
Bài viết khác
- MỘT NĂM KHOA GÂY MÊ HỒI SỨC TÍCH CỰC NGOẠI TIM MẠCH: SỰ HY SINH THẦM LẶNG CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC
- TRUNG TÂM TIM MẠCH - BỆNH VIỆN E XỬ LÝ THÀNH CÔNG CA BỆNH HIẾM GẶP U NHẦY NHĨ TRÁI KÍCH THƯỚC LỚN
- Bảo vệ luận án tiến sỹ y học của nghiên cứu sinh Đỗ Anh Tiến: ĐEM LẠI HIỆU QUẢ THIẾT THỰC CHO BỆNH NHI MẮC BỆNH TIM BẨM SINH
- SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH VIỆN E CẦN ĐẾN SỨC TRẺ CỦA ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN
- DẤU ẤN NGƯỜI THẦY THUỐC NHÂN DÂN
- Người bác sĩ và 14 cái Tết 'cần mẫn trong bệnh viện'
- GS.TS LÊ NGỌC THÀNH ĐƯỢC TÔN VINH TẠI LỄ TRAO BẢNG VÀNG NHÀ QUẢN LÝ, TRÍ THỨC TIÊU BIỂU VÀ ĐƠN VỊ PHÁT TRIỂN VỮNG MẠNH
- ĐIỀU DƯỠNG LÀ MỘT CÔNG VIỆC QUAN TRỌNG, GẮN LIỀN VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH VIỆN E